Trang chủ / Blog / Hàng handmade lên ngôi

Hàng handmade lên ngôi


Xu hướng tiêu dùng xanh ưu tiên các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường đã tạo điều kiện cho nhiều mặt hàng handmade (nhà làm) lên ngôi, đặc biệt là các sản phẩm khởi nghiệp, OCOP địa phương…

Sản phẩm handmade (nhà làm) ngày càng được thị trường ưa chuộng. Ảnh: V.L

Thị trường ưa chuộng

Những ngày này, Tiệm bánh Lê Anh, phường Điện Nam Trung (Điện Bàn) bắt đầu nhận đơn hàng cho Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3). Với các mẫu bánh kem sữa, socola tự làm, sản phẩm bánh Lê Anh luôn được khách hàng tin tưởng đặt mua.

Từ Tết Nguyên đán đến nay, bánh Lê Anh luôn trong tình trạng “cháy” hàng. Chỉ riêng ngày lễ Valentine (14/2) khoảng 200 hộp socola tiệm làm đã được bán hết. Tiếp đến, lễ Vía thần tài (mùng 10 tháng Giêng) khoảng 100 hộp bánh kem hũ vàng cũng được khách hàng đặt mua cúng thần tài.

Cùng với xu hướng tiêu dùng sạch, vài năm gần đây nhiều sản phẩm “nhà làm” đang dần chiếm ưu thế trên thị trường. Khảo sát một số cơ sở, đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh dịp Tết Nguyên đán 2024 nhận thấy phần lớn có doanh số bán hàng tăng khá cao.

oc3.jpg
Nguyên liệu sạch cùng cách thức sản xuất đảm bảo an toàn, vệ sinh trở thành yếu tố thu hút khách hàng tin dùng sản phẩm địa phương. Ảnh: V.L

Theo bà Phạm Thị Duy Mỹ - Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh (Duy Sơn, Duy Xuyên), bên cạnh chất lượng đảm bảo, việc cải tiến mẫu mã, đóng gói, bao bì cũng giúp tạo nên hiệu ứng tốt cho dòng sản phẩm này. Tết Nguyên đán năm nay, HTX đã tiêu thụ gần 1.000 lẵng bánh quà tặng, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Với giá bán từ 300 nghìn đến 1 triệu đồng, doanh thu mang lại rất phấn khởi.

“Sản phẩm ngũ cốc Duy Oanh được sản xuất sạch, có mức giá tầm trung và đã khẳng định được chất lượng nên chúng tôi tự tin hướng đến phân khúc khách hàng ưu tiên sức khỏe, do đó rất thuận lợi để khách hàng chọn lựa, nhất là đối với những sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 đến 4 sao” - bà Mỹ nói.

Dù chưa thống kê chi tiết, nhưng dễ nhận thấy dịp tết, lễ vừa qua, sản phẩm địa phương, nhà làm như OCOP, khởi nghiệp chiếm số lượng lớn trên các kệ hàng.

Bà Đỗ Thị Hiền – Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) nhìn nhận, yếu tố khiến hàng nông sản, thực phẩm địa phương được thị trường đón nhận không chỉ bởi chất lượng mẫu mã mà còn thể hiện ở sự minh bạch, an toàn, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên mang đến sự an tâm cho người tiêu dùng.

“Rõ ràng tâm lý tiêu dùng người dân đã thay đổi khi hướng đến các sản phẩm thân thiện môi trường, handmade thay vì các sản phẩm công nghiệp hoặc hàng trôi nổi như trước đây” - bà Hiền phân tích.

Xu hướng tiêu dùng sạch

Tính đến cuối năm 2023, Quảng Nam có 395 sản phẩm của 314 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP, bao gồm 61 sản phẩm hạng 4 sao và 334 sản phẩm hạng 3 sao. Phần lớn thuộc nhóm sản phẩm thực phẩm, đồ uống. Cụ thể, có 293/395 thuộc sản phẩm thực phẩm và 32/395 sản phẩm đồ uống cùng các sản phẩm dược liệu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Ngoài ra, còn hàng trăm sản phẩm khởi nghiệp, làng nghề…

oc.jpg
Nhiều khách hàng là người nước ngoài cũng đã chọn lựa sản phẩm nhà làm của MT Nuts. Ảnh: V.L

Bà Trần Thị Hồng Vâng – Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm dinh dưỡng MT Nuts cho rằng, thói quen tiêu dùng rất quan trọng, vì vậy việc thay đổi xu hướng tiêu dùng khi ngày càng có nhiều người chọn mua sản phẩm sạch đã đóng vai trò quyết định đối với dòng sản phẩm nhà làm.

Từ khi thành lập tháng 6/2020 đến nay, bình quân doanh thu mỗi ngày của MT Nuts đạt khoảng 20 triệu đồng. Ngoài phân phối sản phẩm đến 25 đại lý, cửa hàng tại Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, khoảng 50% doanh thu của công ty đến từ bán lẻ cho người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Hội An, kể cả khách du lịch nước ngoài như Singapore, Đài Loan, Nhật Bản...

“Ngày càng có nhiều người chọn cách ăn kiêng với các thức ăn thanh tịnh cơ thể nên không chỉ ngày rằm, mùng Một mà ngày thường cũng rất nhiều người đến mua sản phẩm, đa phần thuộc lứa tuổi 30 – 45” - bà Vâng cho biết.

Hiện MT Nuts sản xuất khoảng 50 sản phẩm các loại, 70% trong số này thuộc “nhà làm”, số còn lại liên kết với đối tác. Một số sản phẩm được khách hàng chọn lựa nhiều, nhất là các nhóm người già, người mang thai, tập gym… gồm đạm thực vật, bột ngũ cốc, sữa bột ngũ cốc… nhằm thay thế bữa ăn sáng hoặc bồi dưỡng cơ thể.

oc5.jpg
Bên cạnh chất lượng sản phẩm tốt, sự đa dạng mẫu mã, bao bì, đóng gói cũng góp phần đưa sản phẩm handmade lên ngôi. Ảnh: V.L

Bà Đỗ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý thương mại cho biết thêm, dù chưa có số liệu chính xác về tỷ lệ tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương và các sản phẩm OCOP, khởi nghiệp so với những dòng sản phẩm khác nhưng qua quan sát trực quan và xâm nhập thị trường có thể nói sản phẩm địa phương đang chiếm ưu thế.

Từ những kết quả trên, dự kiến đầu tháng 3/2024 Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiềm năng và định hướng xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, sản phẩm địa phương hướng tới xây dựng đề án xuất khẩu cho dòng sản phẩm này.

Hàng handmade lên ngôi